Cẩm nang

 

Dành cho quý vị đã, đang và sẽ là độc giả của Kẹp Hạt Dẻ.

 

ôi cập nhật cẩm nang này, với lòng trân trọng sách vở nói chung và những sản phẩm mà chúng tôi đã gửi tới bạn đọc. Tôi cũng biết ơn quý độc giả, những người đã luôn ủng hộ chúng tôi, trong thời gian qua.

 

Giả dụ nhà bạn có trọn bộ 92 cuốn của Kẹp Hạt Dẻ, tính đến lúc này. 92 cuốn, với một đứa trẻ, có thể coi là một gia tài đấy, và giá thành của bộ sách cũng tương xứng với những gì nó mang lại. Vậy thì chúng ta sẽ phải sử dụng bộ sách như thế nào, để đồng tiền bạn bỏ ra không những không lãng phí mà còn đạt hiệu suất chi tiêu tối đa?

 

Dưới đây là những gợi ý của tôi, tuy nhiên, tôi mong nhận được những hướng đọc/cách đọc khác từ quý độc giả, bởi sự tham gia của người đọc vào tác phẩm luôn là quá trình hình thành nên các sắc thái đa chiều của tác phẩm.

 

HƯỚNG DẪN ĐỌC THEO ĐỘ TUỔI

 

A. NHÓM 1: 3-5 TUỔI

 

Sách Kẹp Hạt Dẻ, hầu hết tập trung vào lứa tuổi biết đọc chữ. Một cách hữu hiệu nhất, chúng ta sẽ chờ đợi em bé của bạn lớn lên, kế thừa bộ truyện này. Còn nếu như bạn cần một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, theo phương pháp giáo dục sớm chẳng hạn, thì các bộ HƠI THỞ ĐỒNG XANH, THUNG LŨNG VUI VẺ, BÁC TAI DÀI NGỌ NGOẠY, và ĐỒ CHƠI KHÔNG VÔ TRI là những lựa chọn phù hợp.

 

@ HƠI THỞ ĐỒNG XANH (9 cuốn) là một bộ đặc biệt, Kẹp Hạt Dẻ tổ chức dịch và xuất bản trước hết vì lứa tuổi ấu nhi - lứa tuổi mà chúng tôi chưa đặt quan tâm sâu. Bộ này đáp ứng được cả phần nghe và phần nhìn của bé; ngôn từ trong sáng dễ hiểu, hóm hỉnh và vui tươi; tranh màu nước dịu dàng, thơ mộng.

Bộ sách vốn là chuyện kể trước giờ đi ngủ, là chuyện “cha kể con nghe”. Thornton Burgess, một nhà văn goá vợ phải mưu sinh xa nhà, xa con, đã dỗ đứa con trai thiếu mẹ của mình vào giấc ngủ hằng đêm, bằng những bức thư tay kể những câu chuyện đồng thoại trong vắt như thế này.

Không đơn giản một chiều như cổ tích, không uyên áo thâm sâu như ngụ ngôn, Hơi Thở Đồng Xanh đúng như tên gọi của nó, là những hơi thở nhẹ nhàng và trong trẻo của trẻ nhỏ. 9 cuốn, vừa tầm tay nắm, bày ra một vũ trụ nhân vật vô cùng phong phú, đủ để nuôi dưỡng trí tưởng tượng, đủ để vun đắp lòng trắc ẩn của một em bé từ tuổi lớp mầm đến hết cấp 1. Ở đó, trẻ sẽ gặp gỡ các nhân vật lạ mà quen, bé nhỏ và thân thiện, di chuyển trong những bối cảnh thay đổi từ ao hồ đến đồng cỏ rừng xanh, tạo lập một không gian mở khiến trẻ nhỏ dễ dàng tham gia tích cực vào các sự kiện trong truyện, biến một thính giả thụ động trở thành một BẠN ĐỌC CHỦ ĐỘNG.

 

@THUNG LŨNG VUI VẺ (8 cuốn): khác với sự trong trẻo nhí nhảnh của Hơi Thở Đồng Xanh, series Thung lũng Vui vẻ lại mang đến một luồng gió mới hoang dã hơn, hài hước hơn, thậm chí “gắt” hơn, đan xen các bức tranh minh họa màu sống động. Các con vật được nhân cách hóa nhưng không thoát li đời sống của chính nó, và cũng không xa rời hình dung của trẻ thơ về con vật đó. Hình thức nhân hóa loài vật nhưng giữ nguyên đặc tính giống loài này đã đem lại cho đồng thoại khả năng diễn tả những vấn đề của đời sống một cách hình tượng, ý vị. Đó chính là thực tế của thiên nhiên, và cũng là thực tế của xã hội loài người, có tốt có xấu, có hay có dở, nhưng lại rất đời.

Ở một góc độ nào đó, Thung lũng Vui vẻ đã vượt qua giới hạn lứa tuổi để vươn tới tầm giá trị phổ quát. Bởi lẽ, tác giả đã kí ngụ trong đó những vấn đề thời sự của xã hội con người theo cách dễ đi vào lòng người nhất là hài hước. Tôi tin rằng mỗi lứa tuổi đều tìm thấy ở Thung lũng Vui vẻ những lợi ích tinh thần khác nhau, mặc dù bộ sách hợp nhất với các em ở cấp tiểu học và trước tiểu học.

 

@BÁC TAI DÀI NGỌ NGOẠY (5 cuốn) là một cuốn phim hoạt hình được kí họa bằng các con chữ, bởi nó sống động đến từng chi tiết. Từng đặc điểm, hình dáng, tính cách của nhân vật được hiện ra trong trí tưởng tượng của các em rõ nét như phim quay chậm. Chất động nhanh mà chậm này chính là chất xúc tác chuyển hóa quá trình đọc theo nghĩa vụ đến việc đọc tập trung say sưa, từ truyện tranh sang truyện chữ. Điều này suy cho cùng, lại chính là bệ phóng cho trí tưởng tượng, khởi nguồn cho những ước mơ.

Chất hài hước của bộ Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy len lỏi vào từng câu thoại chứ không chỉ dừng ở những tình huống. Chất hài ấy làm mềm đi rất nhiều cái uyên áo thâm sâu của ngụ ngôn, khiến cho bộ Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy hoàn thành sứ mệnh giáo dục của mình theo cách tế nhị nhất.

 

@ĐỒ CHƠI KHÔNG VÔ TRI (5 cuốn): Tiếp nối thành công của Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy, tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc bộ sách này của chung tác giả Howard R. Garis và người vợ thân yêu của ông. Đây là bộ sách viết về thế giới đồ chơi, một đề tài lần đầu xuất hiện trong các trang sách tôi chuyển ngữ. Những món đồ chơi tưởng chừng như vô tri, vô giác nhưng dưới ngòi bút tài hoa của các tác giả, chúng trở nên sống động hơn bao giờ hết với một cuộc sống rất đời, cùng một thông điệp rõ ràng về vai trò và ý nghĩa cuộc đời chúng đối với trẻ em: Mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các cô bé, cậu bé ở Trái Đất.

Mỗi nhân vật đều được kể trọn vẹn về những cuộc phiêu lưu ấn tượng của chính mình trong một câu chuyện riêng. Những món đồ chơi như Chú Lính Chì, Lừa Gật, Mèo Sứ, Gấu Vải, Voi Nhồi... được lấy nguyên mẫu từ những nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện cổ tích kinh điển, đã có một cuộc sống cực kì vui vẻ và lạc quan. Những đứa trẻ được trải nghiệm, được lớn lên qua bao trò chơi với những người bạn ấy, để rồi miền thơ ấu đẹp đẽ sẽ theo chúng suốt những dặm dài phía trước. Có lẽ đó cũng chính là ẩn ý các tác giả muốn nhắn gửi: “Hãy để cho những đứa trẻ vui thú theo cách riêng của chúng, để chúng có thể tự khám phá thế giới theo cách tốt nhất” (Samuel Johnson).

 

Phản hồi từ độc giả cho thấy các em bé tuổi từ mẫu giáo đến lớp 4 hào hứng với các bộ Hơi thở Đồng xanh, Thung lũng Vui vẻ, Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy và Đồ Chơi Không Vô Tri. Trẻ tương tác khá tốt với truyện, thích và hiểu được tranh vẽ. Đây sẽ là một khởi đầu tốt để bố mẹ đọc cho con, khiến các em nhỏ vui vẻ, làm quen dần với việc tập đọc, hướng tới sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Các bức tranh minh họa vừa đủ, dung dị dễ gần, để trẻ đủ thích thú mà không sao nhãng câu chuyện.

 

B. NHÓM 2: 6-12 TUỔI

 

1. Nếu trẻ BẮT ĐẦU TẬP ĐỌC từ 6 tuổi (lớp 1), nhất định bạn đừng vội vàng nhé. Với trẻ mới tập đọc, thời gian này cần tránh tuyệt đối việc đọc quá sức. Sự chuyển hướng từ truyện tranh sang truyện chữ thực sự là một quá trình dài hơi. Nhưng bạn đừng lo, chỉ cần bạn kiên nhẫn thêm một chút, yêu thương con mình thêm vài phút, là bạn sẽ có cơ hội đem đến cho trẻ một tinh thần ĐỌC SUỐT ĐỜI. Giai đoạn này rất quan trọng, nhưng nếu nghĩ rằng, nhờ đọc, ta sẽ có thêm thời gian ở cạnh báu vật của mình, thì việc đọc sẽ tự nhiên trở thành HAM MUỐN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG.

 

HƠI THỞ ĐỒNG XANH, THUNG LŨNG VUI VẺ, BÁC TAI DÀI NGỌ NGOẠY và ĐỒ CHƠI KHÔNG VÔ TRI vẫn vắt được vào giai đoạn đầu của tuổi biết đọc. Chúng tôi khuyến nghị dùng ba bộ này cho các bé tập đọc, hoặc các bé chuyển đọc từ truyện tranh sang truyện chữ.

 

Ngoài ra, BÔNG, DÃI, MÈO MẶT NHỌ cũng là lựa chọn phù hợp cho các bạn bé lớp 1 (Sau Hơi thở Đồng xanh và Thung lũng Vui vẻ). Mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự đọc từng đoạn ngắn, và cũng có lúc mẹ cần đọc cho trẻ nghe. Với cuốn BÔNG, trẻ có thể tự đọc được, mẹ hãy chọn và đánh dấu từng chương để bé tập đọc, như một bài tập nhẹ nhàng. Dung lượng mỏng, cấu trúc chương cực ngắn, chỉ tầm 2-4 trang sẽ không làm trẻ quá sức trong một khoảng thời gian có hạn. BÔNG đơn giản nhưng không hề tẻ nhạt, mà gay cấn hồi hộp ngay từ những trang đầu tiên. Chuyện đời của một con sóc tưởng mình là mèo nhà, chắc chắn sẽ mang đến cho trẻ những hiểu biết thú vị, về việc tìm lại bản thể của một cá thể trong tự nhiên bao la.

Với DÃI và nhất là MÈO MẶT NHỌ, mẹ hãy đọc cho bé nghe một vài chương trước. Các chương có gắn kết, nhưng vẫn tồn tại một nội dung độc lập với nhau, để mẹ có thể lựa chọn chương bất kì mà bé vẫn có thể hiểu được.

 

2. Trẻ đã BIẾT ĐỌC TRƠN TRU rồi, tôi tính trung bình từ lớp 2-3. Hãy để bé tự đọc tiếp các cuốn thuộc BỘ CÁC CON VẬT NHÀ LÃO BEAN, TUYỂN TẬP TERHUNE (LAD1, LAD2, SÓI, BRUCE, BÌNH MINH XÁM, BOBBY ĐI HOANG), LASSIE TRỞ VỀ, NELLO BÁN SỮA, TOM GIẺ RÁCH… và các bộ BỘ TỨ NHÀ MELENDY, BỘ TỨ MOFFAT, BỘ CHESTER, BILLY, hay một số cuốn trong combo NHỊP ĐẬP HOANG DÃ…

 

@BỘ CÁC CON VẬT NHÀ LÃO BEAN (3C) - HÀNH TRÌNH TỰ LỚN: Giới phê bình văn học có nói về W.R.Brooks, cha đẻ của bộ Bean Farm (Các con vật nhà lão Bean) thế này: “Nếu coi văn chương của Wodehouse, K.Graham, và Mark Twain là các vị rượu, được cho vào bình shaker rồi lắc thật khéo léo, thì sẽ ra các tác phẩm của W.R.Brooks, một loại cocktail ấn tượng và đầy bản sắc”.

“Các con vật nhà lão Bean” không nhằm mục đích dạy dỗ, kí ngụ bất cứ điều gì, cũng chẳng gánh vác hay vật lộn với các chủ đề phổ quát của con người. Chúng vô tư một cách mới mẻ. Series này không giống những câu chuyện được kể bởi một người bà thánh thiện, mà phảng phất hình bóng của một ông chú đậm “thanh niên tính” kể chuyện tự nhiên như hơi thở. Chính sự tự nhiên này, đã khiến tôi chuyển ngữ bộ sách với tâm thế của một đứa trẻ. Và đứa trẻ ấy được Brooks dắt đi tới thế giới thực trên một con đường dễ chịu.

Sự giao tiếp giữa người - vật, vật - vật, trong các tác phẩm của Kẹp Hạt Dẻ nói chung và bộ sách này nói riêng, từng được giới chuyên môn đánh giá là nền tảng tạo nên trí thông minh xã hội - một trong các năng lực cần thiết của con người hiện đại.

Khi chọn chuyển ngữ series nhiều tập này, dịch giả đã rất phân vân, bởi nó sẽ choán rất nhiều thời gian. Thế nhưng nó xứng đáng được “đắt đỏ” như vậy. Bởi trước nhất, anh muốn con gái mình, “trái tim bên ngoài cơ thể” của người cha, tìm được con đường sảng khoái nhất trong hành trình tự lớn của cháu. Và anh hi vọng, “ trái tim bên ngoài cơ thể” của các bạn cũng được đồng hành cùng những giá trị đó.

 

@ LAD1 là một thử thách đấy, truyện dày và các chương cũng khá bắt nhau. Tuy nhiên, giá trị của LAD1 đã được khẳng định, và là bộ sách của Kẹp Hạt Dẻ được tìm đọc nhiều nhất. Câu chuyện về con chó trứ danh có thật với những trường đoạn đầy xúc động sẽ đem đến cho trẻ niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, vào một thứ phẩm giá đáng tôn thờ.

 

@ LAD2 nhẹ nhàng hơn chút, bởi nó là những chuyện chưa kể trong LAD1, nên trẻ có thể nhẩn nha từng chương một.

 

@ Tiếp theo LAD, trẻ sẽ đọc tiếp theo thứ tự SÓI, BRUCE, BÌNH MINH XÁM, BOBBY ĐI HOANG bởi những con chó này đều cùng đàn Sunnybank của LAD và các tình tiết có đôi chút liên quan. Sói thật thà chất phác, còn Bruce thì cao thượng. Sói và Bruce là một cặp. Ở Bình Minh Xám lại toát lên sự trung thành quả cảm, trong khi BOBBY gây xúc động mạnh đấy, bởi tình tiết xoay chuyển đột ngột, xung đột khó đoán trước, thông minh, hài hước và có độ sâu về ứng xử. Tất cả đều có trong Tuyển tập Terhune.

 

Chúng tôi khuyên chọn TUYỂN TẬP TERHUNE để trẻ có thể học cách tự yêu thương, tự lấp đầy những hao hụt của lòng tin, trước hiện thực cuộc sống xô bồ. Ở đó, trẻ sẽ thấy một thế giới của sự tử tế, trong từng hành động cụ thể, từng suy tư cụ thể của một hay những con-chó-rất-người. Vượt qua chuyện ơn đền oán trả, điều mà Lad và những con chó khác mang đến trong hầu hết các mối quan hệ của nó với vật và người, là một hình dung về sự dịch chuyển có tính chất tích cực ở phía bên kia chiến tuyến. Lad luôn luôn cố gắng làm điều tử tế, để đối tác, thậm chí là kẻ thù của nó trở nên tử tế hơn. Có thể coi Tuyển tập Terhune là một bộ sách của cả nhà bởi giá trị của nó đem lại đã vượt mọi biên giới về tuổi tác, địa lí và các nền văn hóa. Đó cũng là một bộ sách phù hợp khi ta muốn nương tựa vào sách, như là một công cụ để sắp xếp lại tinh thần. Ở đó ta sẽ có điều kiện để suy tưởng và chiêm nghiệm nhiều hơn

 

@ LASSIE có một giá trị khác, đơn giản, mộc mạc mà hữu dụng vô cùng. Tôi gọi Lassie là con-chó-đúng-giờ. Trong mười mấy con chó của Kẹp, nó là con tôi thương nhất. Nó là con chó cái duy nhất có hành trình khổ ải chẳng khác gì những con đực mạnh mẽ. Nó là biểu tượng cho sức bền bỉ và thuỷ chung như nhất của tính nữ. Độc giả nhí của tôi yêu sự giản dị của Lassie.

Qua được các cuốn trên là các bé đã có những hiểu biết nhất định về thiên nhiên, đã hình thành được tình thương với con vật - thứ nền tảng để xây dựng một con người biết cảm thông với cuộc sống. Tôi luôn nhấn mạnh nền tảng này, nhất là trong thời đại kĩ trị và con người cá nhân như hiện nay.

 

@ Với NELLO BÁN SỮA, chúng tôi khuyến khích các bạn bé đọc ở tất cả các lứa tuổi (dưới 6 tuổi thì ta nên lựa chọn từng chương thôi nhé). Đây là câu chuyện có đề tài nghệ thuật của Kẹp Hạt Dẻ. Trẻ có thể không biết chơi đàn, vẽ tranh, nhưng để phát triển thành một con người Bình Thường, trẻ cần biết về nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc và hội hoạ. Những tri thức thẩm mĩ đó sẽ bồi đắp phần hồn của một con người, bên cạnh những giá trị kĩ năng mà trẻ được/phải học từ trường lớp. Đam mê hội hoạ của Nello không còn là của riêng cậu bé, mà đã trở thành đòn bẩy khơi gợi đam mê của lớp người trẻ trên toàn thế giới.

 

@DAVID - CÂY VĨ CẦM BIẾT NÓI nên đọc cùng với NELLO BÁN SỮA. Đó là 2 cuốn truyện đẹp, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, là một bức tranh đầy đủ màu sắc và âm thanh, thành một bộ hội hoạ - âm nhạc, Nello thì bi tráng còn David thì hồn hậu, trong trẻo. Cấp 1 đọc cũng được, chỉ dài hơi chút xíu thôi chứ không nặng. Đây là kiểu sách danh nhân.

 

@Sau NELLO với khát khao cháy bỏng được theo đuổi đam mê hội họa, DAVID trong trẻo ngây thơ với cây vĩ cầm làm bạn, cô bé TOM GIẺ RÁCH cá tính đã chiếm trọn trái tim của các cô cậu lớp 3,4,5. Câu chuyện viết về cô bé Tom khốn khó, phải vật lộn mưu sinh giữa New York phồn hoa đô thị. Dù gặp phải những biến cố, thử thách dồn dập trong cuộc sống, nhưng Tom luôn giữ được bản tính khảng khái, sự lạc quan, quyết tâm vượt khó để vượt lên số phận. Cuốn truyện sẽ lôi cuốn các em tới tận trang cuối, với cái kết đầy bất ngờ và trọn vẹn.

 

@Các cuốn CON GẤU TƯỞNG MÌNH LÀ CHÓ, CHUM, MÈO XANH, HANG XANH, JOE SỐ DÁCH… có thể đọc ở độ tuổi này.

 

@CON GẤU TƯỞNG MÌNH LÀ CHÓ là tập truyện ngắn, dễ đọc và cũng dễ theo dõi, có cấu trúc tự do và dung lượng mỗi tiểu truyện khá ngắn. Nó là dạng sách tiện dụng, dùng lúc nào cũng được, có bỏ lửng hay nhảy cóc cũng không bị ngắt quãng. Văn phong sáng sủa, chủ đề phong phú cũng là một ưu điểm của mấy cuốn này.

 

@CHUM cùng tác giả với các tác phẩm về đàn chó Sunnybank của con chó LAD, luôn níu giữ được tình cảm của các độc giả như đã từng yêu quý LAD.

 

@ HANG XANH nhẹ nhàng và bình thản, Ann Weil dắt độc giả bước vào đời sống của từng nhân vật theo lối miêu tả khá cổ điển. Bà đã thành công khi dùng một thứ keo kết dính đặc biệt mang tên tình cảm để các nhân vật hoà quyện với nhau một cách hoàn hảo. Ví như Angelo, một ngư phủ như bao ngư phủ khác ở Capri, với vẻ ngoài bất cần luôn coi mọi thứ chỉ là trò đùa, nhưng ẩn chứa bên trong là một trái tim dũng cảm, một tâm hồn bao dung và vô cùng nhân hậu. Chỉ có điều, Angelo sẽ mãi mãi chỉ là một ngư phủ đơn điệu, buồn tẻ với công việc chài lưới nếu tác giả không đặt cạnh ông hình bóng Mechele, một cậu bé hiếu thuận, vị tình...

Hang Xanh trong truyện nằm trên hòn đảo Capri ngoài đại dương, nhưng Hang Xanh ấy cũng có thể là cái hang có ngay trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta có dám can đảm vượt qua nỗi sợ hãi thâm căn cố đế và cái nhìn đầy định kiến của những người xung quanh để đi tới tận cùng sự thật-chân lý hay không? Câu hỏi ấy dường như lại chính là đáp án.

 

@BỘ CHESTER: Bộ truyện bao gồm năm cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhưng đã chiếm trọn trái tim độc giả ở nhiều lứa tuổi. Tập đầu tiên, Con dế ở Quảng trường Thời đại, đã vinh dự nhận được giải thưởng Newbery Honor năm 1960. Những câu chuyện thú vị xoay quanh Dế Chester tài hoa và đầy chất nghệ sĩ, Chuột Tucker nổi tiếng cần kiệm và dạt dào tình cảm, Mèo Harry thông minh và đầy quyết đoán, Chó Happy-Huppy bồng bột và dễ thương cùng với một loạt các nhân vật sinh động khác, sẽ cuốn độc giả vào những ứng xử cảm động, những cuộc phiêu lưu vòng quanh thành phố New York sôi động và hiện đại, tới cả miền đồng quê Connecticut yên bình và xưa cũ.

Thông qua những câu chuyện đời thường, tác giả đã khéo léo xây dựng vũ trụ nhân vật đa tầng với đa dạng giống loài, để kí ngụ vào đó những ý nghĩa lớn lao. Các tác phẩm đã chạm đến rất nhiều các chủ đề phổ quát về tình bạn, lòng trung thành, tính trung thực, gia đình và tự do… đặc biệt là khát khao rất đời và rất người của muôn loài về ngôi nhà của riêng mình.

Dù chỉ là những con vật bé nhỏ, nhưng chúng cũng có thể dạy cho độc giả, thậm chí cả những người khó tính nhất, một vài điều gì đó, theo một cách tự nhiên. Bởi chúng biết cách nói chuyện với đứa trẻ trong mỗi chúng ta, và trẻ nhỏ vốn luôn tìm thấy niềm vui sướng trong những điều nhỏ nhặt.

 

@ BỘ TỨ NHÀ MELENDY:

Đây là bộ 4 cuốn truyện phiêu lưu gia đình mà tôi còn gọi là Nhà Ấm: Những Ngày Thứ Bảy, Ngôi Nhà Bốn Tầng Lỗi, Từ Bốn Thành Năm, và Manh Mối Màu Xanh Dương. Tôi miệt mài dịch bộ này, với niềm xúc động khôn tả về hành trình Tự Lớn của 4 đứa trẻ nhà Melendy. 4 đứa trẻ, 4 tính cách, 4 sở thích và rất nhiều ước mơ khác nhau, là 4 anh chị em ruột trong một ngôi nhà đặc biệt. Mẹ mất, bố đi làm xa, ở nhà với bác giúp việc, nghịch như quỷ sứ; ẩm ương, cảm tính và phù phiếm như mọi trẻ con; nhân hậu, trong sáng và xúc cảm cũng hệt con trẻ. Tôi nhìn thấy trong đó những mảnh vụn của mọi gia đình, có đầy có vơi, có buồn có vui, những ước mong và hoài bão, nhiều dự định chân thành…

Nhưng trên hết, là cuộc sống đầy màu sắc của những đứa trẻ nhiều năng lượng, chúng biết TỰ LỚN, biết PHIÊU LƯU trong thế giới nhỏ quanh chúng, và biết ƯỚC MƠ vươn tới những thế giới rộng lớn hơn.

Trẻ em cần có một tuổi thơ đẹp để sau này còn có cái để nương vào. Tuổi thơ ấy chính là di sản quý giá với đầy đủ các cung bậc thăng trầm của những trải nghiệm phiêu lưu. Trong bộ sách, ông Melendy, bố của bọn trẻ đã vì con mà bày ra những trò chơi trẻ nít. Tôi tin rằng, chính tình yêu thương và những chuyện phiêu lưu trong những trò chơi ấy sẽ ít nhiều khơi dậy sức mạnh nội tại của bọn trẻ.

 

@BỘ TỨ MOFFAT: Ai cũng biết, con người ta, bất luận là trẻ em hay người lớn, thường cự tuyệt với việc bị dạy dỗ trực diện bằng lời nói, nhưng lại có xu hướng làm theo những gì người khác làm. Với trẻ em, khi chưa đủ trải nghiệm, luôn cần lắm những cuốn sách đẹp để chúng tự do ngụp lặn trong dòng chảy của trí tưởng tượng, gửi gắm tình cảm vào những nhân vật yêu thích. Từ đó, bọn trẻ sẽ tự lớn lên, thỏa thuê bay bổng trong miền trải nghiệm an toàn của những tác phẩm văn học giàu trí tuệ và thấm đẫm nhân văn. Đây cũng chính là điều mà BỘ TỨ MOFFAT muốn gửi gắm tới độc giả qua bốn tập sách.

Đám trẻ nhà Moffat gồm bốn đứa. Sylvie là chị cả, học hành giỏi giang, và có khiếu nghệ thuật. Kế đó là Joe, một trưởng nam cực kì trách nhiệm với gia đình. Sau Joe là Jane, thứ nữ đặc biệt trong nhà, đặc biệt đến cả cái cách ngắm nhìn thế giới. Jane thích nhìn thế giới theo chiều lộn ngược, và bận quan tâm tới mọi người tới mức chẳng có thời gian để lớn. Và cậu út Rufus thì chẳng giống ai, là một đứa trẻ làm được mọi thứ, nhưng chỉ làm theo ý mình. Bởi thế, cuộc sống thường ngày của nhà Moffat luôn được đong đầy những niềm vui bất tận.

Bốn đứa trẻ hai trai, hai gái, đã có một cuộc sống gia đình đúng nghĩa. Ở đó, chúng có cảm giác an toàn nhờ biết rằng mình được yêu thương. Tổ chức Embracing the Child ghi nhận: “Tuy rằng có sự phụ thuộc vào gia đình để có cảm giác an toàn về cảm xúc, nhưng nhân vật trong series Moffats của Estes lại có khả năng sải rộng đôi cánh và phát triển tính tự lập qua những giờ chơi và thả sức trải nghiệm trong vùng an toàn ấy”.

 

@Bộ BILLY: gồm 4 cuốn BILLY LÃNG TỬ, NIGHT và DAY, BILLY NHỎ, BILLY THỜI THƠ ẤU.

Bộ sách kể về một cuộc đời đầy biến động khôn lường, với những trải nghiệm tự thân và xúc cảm đa dạng của các nhân vật. Nếu được đặt tên cho bộ truyện này, tôi sẽ gọi nó là dạng sách đọc-không-biết-chán. Nó li kì và mạnh mẽ đến mức khi đọc xong, tôi buộc phải đánh giá năm sao, vì sợ không làm thế, Billy sẽ húc tôi, như từng húc phân nửa các nhân vật trong truyện.

Có thể nói, đây là một trong ít tác phẩm đứng về phía những Đứa trẻ Đặc biệt, bởi nó không dạy đời, không phán xét, không đổ lỗi, và tuyệt nhiên không phê phán những hành động nổi loạn. Tác phẩm đề cao tính độc lập của nhân vật và chất nhân văn thấm đẫm của nội dung. Chất nhân văn ở đây chính là tôn-trọng-sự-khác-biệt, thứ mà tôi tin sẽ khiến không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng cần nó làm kim chỉ nam trong cuộc sống.

 

@MÈO XANH Trong một lần tới thăm quan Bảo tàng Nghệ thuật New York, nữ nhà văn đã rất ấn tượng và bị cuốn hút bởi hình chú mèo có bộ lông xanh được dệt trên một tấm thảm thủ công trưng bày tại bảo tàng. Bà đã cất công tới tận nơi để tìm hiểu, thu thập những mẩu chuyện dân gian, những lời truyền miệng về con mèo xanh kì lạ tại Castleton. Tác phẩm “Blue Cat of Castle Town’’ đã ra đời trong bối cảnh như vậy.

 

@JOE SỐ DÁCH kể về cuộc đời đầy biến cố của cậu bé mới lớn Joe, diễn ra nhanh và li kì như một cuốn phim đầy kịch tính. Đọc Joe Số Dách, ta sẽ thấm được sự lạc quan, bao dung và nhiệt huyết tuổi trẻ.

 

@NHỊP ĐẬP HOANG DÃ: chúng tôi chọn chủ đề này làm tên chung cho combo sách của tác giả Jim Kjelgaard (NGÔI SAO, SĂN SƯ TỬ, HẢI LY, KALAK, CHIRI, NÂU, SƯƠNG GIÁ, CON CHÓ ĐÈO ST. BERNARD, CON HƯƠU ĐEN, HI JOLLY, CỖ XE LẠC LỐI). Jim yêu vô cùng mảnh đất nơi ông sinh sống và đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ dấn thân trên những dặm đường tuyết trắng xa xôi. Jim luôn nâng niu lớp ngôn từ, nhịp điệu hình ảnh, luôn thổi một tâm hồn đầy cảm xúc vào việc sắp đặt cốt truyện và xây dựng chi tiết. Các thiên tiểu thuyết của ông đều mang đậm tính kịch tính, lại vừa du dương tựa một bài thơ, được hun đúc từ tâm hồn nhân văn của một nhà văn lớn. Trẻ có thể bắt đầu bằng bất kì cuốn nào trong combo Nhịp đập hoang dã cũng được. Trẻ tiểu học nếu thích hồi hộp và kịch tính thì đọc MA CÁO, ưa tò mò thì đọc HẢI LY, SĂN SƯ TỬ rất oai hùng và hào hoa, còn KALAK thì trữ tình hơn chút. Chúng tôi thì gợi ý thứ tự đọc xuôi từ Săn Sư Tử rồi tới Ngôi Sao, tiếp đến Hải Ly và kết thúc bằng Kalak. Như vậy, ta sẽ đi từ vùng Cao nguyên xuống Thung lũng, qua Đầm lầy rồi vào Biển Bắc, để trẻ thấy được sự vận động của dải sinh thái động vật qua từng địa hình. Hành trình lên rừng xuống biển này cũng là hành trình mở rộng cảm xúc, yêu thương nhiều hơn, khao khát cũng nhiều hơn

Phụ thuộc vào trình độ đọc và cảm thụ của trẻ, các cuốn còn lại trong tuyển tập này cũng phù hợp với trẻ cuối cấp hoặc vắt sang cấp 2.

Nói chung các bé cấp 1 có thể đọc trong dải màu cam và vàng.

 

C. NHÓM 3: TRÊN 12 TUỔI

 

Ở tuổi cấp 2, trẻ đã có nhu cầu đọc khác cấp 1. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo, kể cả con bạn bắt đầu đọc Kẹp Hạt Dẻ ở cấp 2, thì cháu vẫn có thể dùng được nhóm các cuốn cấp 1, tôi chỉ đề nghị bắt đầu từ Mèo Mặt Nhọ trở đi thôi. Tác phẩm văn học luôn có nhiều tầng ý nghĩa, và bé có thể bóc các lớp ý nghĩa đó ở những độ tuổi khác nhau. Cấp 2 sẽ nhìn thấy ở Mèo Mặt Nhọ bài học về lối sống chân thật, trong khi cấp 1 chỉ cần vui vẻ thích thú với cuộc đời hỉ nộ ái ố của lũ mèo là được. Hãy để trẻ đọc và tự cảm nhận theo độ chín của tuổi, bố mẹ cũng phải tập kiên nhẫn đấy.

 

@ Các cuốn VUA GẤU XÁM, BUFF, BOBBY ĐI HOANG, JOE ĐẸP, NÂU, CHIRI, SƯƠNG GIÁ, CON CHÓ ĐÈO ST. BERNARD, CON HƯƠU ĐEN, HI JOLLY, CỖ XE LẠC LỐI, TREVE, MÈO XANH, HANG XANH, JOE SỐ DÁCH trẻ có thể đọc đảo được, nhưng nên bắt đầu từ Vua Gấu Xám. Toàn bộ câu chuyện nổi tiếng (đã được dựng thành bộ phim cũng rất nổi tiếng: The Bear) chỉ xoay quanh mối quan hệ của cặp nhân vật bị săn đuổi (con gấu xám) và săn đuổi (Langdon). Trong quan hệ này, có sự va đập giữa tiếng nói của con người với tiếng nói của tự nhiên, và sau rốt, tự nhiên đã kịp chữa lành những thương tổn méo mó trong con người, bằng sự bao dung vô bờ và thứ bản năng thuần khiết của tạo hoá. Tôi muốn mở cánh cửa tương thông với tự nhiên trong lòng mỗi đứa trẻ, nhất là ở giai đoạn dậy thì này. Vua Gấu Xám thực sự là một bản hùng ca hoang dã đậm chất lãng mạn mà trẻ cần có. BỘ CÁC CON VẬT NHÀ LÃO BEAN, TUYỂN TẬP TERHUNE, BỘ DẾ CHESTER VÀ CÁC BẠN, BỘ TỨ NHÀ MELENDY, BỘ TỨ MOFFAT, BỘ BILLY cũng phù hợp bạn đọc ở độ tuổi này.

 

@ BUFF và BOBBY ĐI HOANG lại lãng mạn kiểu khác. Có một chút hào sảng, một chút mơ mộng trên nền câu chuyện kịch tính. Hình tượng hai chàng thanh niên Trent và Jamie sẽ chiếm được cảm xúc của các bạn trẻ cấp 2.

Ở lứa tuổi đang kiếm tìm một nhân cách sống phù hợp này, sự hướng đạo từ truyện đọc rất quan trọng. Trent và Jamie đều xuất thân từ tầng lớp lao động, đều vất vả kiếm sống, nhưng không đánh mất nhân cách. Cả hai đều vướng vào cuộc sống ngoài lề xã hội (Trent bị tù oan, còn Jamie thì làm việc cho một đường dây đen tối), nhưng cả hai đều nỗ lực để hướng tới điều thiện.

Sau những say sưa mê đắm từ Vua Gấu Xám, BOBBY gây xúc động mạnh đấy, bởi tình tiết xoay chuyển đột ngột, xung đột khó đoán trước, thông minh, hài hước và có độ sâu về ứng xử. Để có thể cảm nhận được Bobby một cách trọn vẹn nhất, trẻ nên đọc tách với những cuốn gây xúc động như Lad1, Vua Gấu Xám hay Nello.

 

@ NÂU, CHIRI 1, SƯƠNG GIÁ, CON HƯƠU ĐEN, CON CHÓ ĐÈO ST. BERNARD, HI JOLLY nên đọc liên tiếp nhau. Ngoài chuyện trẻ sẽ được trang bị những tri thức bao quát về các miền hoang dã điển hình là băng tuyết, sa mạc và đầm lầy ra, tôi đặc biệt muốn gợi ý cho trẻ những ẩn dụ về sức mạnh chiến thắng hoàn cảnh khó khăn của cả người và vật trong truyện. Sự chuyển giọng cũng cần thiết đấy, để duy trì niềm ham đọc của trẻ.

 

CHIRI 2 cũng nên đọc cùng nhóm hoang dã này. Jim Kjelgaard là kiểu tác giả không thể đoán được, cốt truyện li kì, tình tiết chuyển biến đột ngột, xung đột bất ngờ và kịch tính. CHIRI 1 là chuyện về con chó, còn CHIRI 2 là chuyện về con người. Hành trình cận tử trên dãy Caribous huyền thoại đã ghi dấu Link chủ nhân của con chó Chiri - trên bản đồ chiếm lĩnh tự nhiên. Cuộc cứu nạn của Link và Chiri hệt như một cuộc viễn chinh bí ẩn, vừa phải tìm kiếm một mục tiêu vô hình, vừa phải chiến đấu với nhiều mục tiêu cũng vô hình nốt. Cuốn này chúng tôi khuyến nghị bạn bé cũng nên đọc, văn chương của nó, trời ơi, phóng khoáng và mê đắm!

 

CỖ XE LẠC LỐI (2 tập), là cuốn tiểu thuyết mô tả sinh động, chân thực đời sống thăng trầm của người nông dân Mỹ trong làn sóng di dân, khai phá miền Tây rộng lớn. Đó là một bài ca về tình yêu lao động, về khát vọng sống, và cả cách nuôi dưỡng hạnh phúc, vượt qua thử thách, thông qua câu chuyện của gia đình Tower… Xuyên suốt hành trình không nghỉ đó, không thể thiếu vắng những suy nghĩ và cư xử tế nhị. Đây còn là cuốn sách tinh tế và ấm áp, vô cũng thích hợp để tri ân những người phụ nữ.

Sau chủ đề NHỊP ĐẬP HOANG DÃ, chúng tôi muốn trẻ trở lại với kiểu truyện của nhóm 2, bằng TREVE. Hoạt động này như là sự nhắc lại những giá trị và cảm xúc mà trẻ đã xây dựng được từ giai đoạn đọc cấp 1. Treve khá nhẹ nhàng, nhưng tuyến nhân vật phức tạp thêm một chút, đáp ứng được nhu cầu tâm lí của trẻ vị thành niên.

 

@ JOE ĐẸP, như đã nói ở trên, là một cuốn cực kì đặc biệt. Nó là cuốn duy nhất kể chuyện bằng tư liệu, nhưng không khô cứng mà rất mượt mà. Những vấn đề mà Joe Đẹp đưa ra khá bề bộn, nhưng lại rất cụ thể và “dễ sử dụng”. Cảm tưởng như trẻ có thể mở Joe Đẹp ra để học cách nuôi bất kì một con thú cưng nào, từ chó, mèo, gà, lợn, ngựa, bò, cừu đến chim, cá, chuột, rắn… Cảm tưởng như trẻ có thể mở Joe ra để tìm hiểu về trang trại gia súc gia cầm, mỗi khi có bài tập về nhà hay trước những giờ ngoại khoá. Vì thế, theo tôi, Joe Đẹp không cần đọc một lèo, trẻ có thể đọc ngắt quãng từng chương, đọc nhâm nhi, đọc lại và tra cứu. Cuốn này phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng để tự đọc được, thì cũng phải tầm cấp 2.

 

Đi được hết quãng này, chúng tôi tin chắc rằng trẻ đã tự xây dựng cho bản thân không chỉ một niềm ham mê đọc sách, mà còn là tri thức về cách đọc và một nền tảng đọc vững bền. Bố mẹ có thể yên tâm được rồi, trẻ sẽ biết yêu thương, biết cảm thông, biết cư xử với cuộc sống, qua những trang sách về động vật như thế này.

 

Với những bạn đã ham đọc sách từ trước, thì mẹ có thể cho đọc từ nhóm 2, nối tiếp vào KAZAN và BAREE.

Đây là một cặp bố con, nên cần đọc xuôi chiều từ bố Kazan sang con Baree. Cả 2 cuốn đều có yếu tố tình cảm khác giới, ở Kazan là mối tình con vật, ở Baree là cuộc tình con người. Cả 2 quan hệ này đều có những toan tính và những nỗi vật vã rất riêng. Kazan yêu Sói Xám bằng thứ tình yêu đại ngàn trong tiềm thức của một con chó lai sói đã bị thuần hoá thành chó nhà. Nhưng nó cũng bị thu hút bởi cô chủ xinh đẹp dịu dàng, rất mực yêu thương nó là Isabel. Sự dùng dằng của Kazan giữa Sói Xám và Isabel là sự trăn trở giữa tự nhiên hoang dã và xã hội con người, giữa thế giới vô minh của đại ngàn và văn minh của đèn điện. Nó cũng là nỗi day dứt của con người trước sự xâm lấn của văn minh vật chất vào thế giới tự nhiên.

 

@ BAREE lại rẽ theo một ngả khác, trong sự day dứt này. Quan hệ của Baree đa chiều hơn Kazan, diễn tiến cũng ngược lại Kazan. Nếu như Kazan là quá trình hồi phục vết thương của con vật với con người, thì Baree lại mô tả dạng thức ngược lại: quá trình tổn thương hoá tâm hồn bởi con người. Trong quan hệ chồng chéo giữa vật và người, giữa thiện và ác, cuối cùng thì con chó nhỏ - đứa con của Kazan kiêu dũng - đã tự trưởng thành từ những vấp váp trong cuộc sống văn minh và cả vô minh.

 

@ Để “đổi món”, trẻ có làm quen với CHIPS nghịch ngợm tinh quái, hay CÂU CHUYỆN PHƯƠNG BẮC để có cảm hứng mới mẻ.

CÂU CHUYỆN PHƯƠNG BẮC có cốt truyện đa tuyến, phức tạp hơn, bắt đầu có sự tiếp xúc tâm lí giữa con người và con vật, hoặc giữa các cá thể với nhau. Xung đột trong Câu Chuyện Phương Bắc không chỉ nói lên uy lực giải quyết mâu thuẫn bằng sự chữa lành của tự nhiên, mà còn chuyển tải thông điệp về cuộc sống hợp loài (mà trẻ sẽ được tìm hiểu sâu sắc qua JOE ĐẸP ở nhóm tuổi đọc thứ 3).

 

@ Với những bạn mới tập đọc sách, nhất là bạn từ lớp 10 trở lên, chúng tôi nghĩ nên bắt đầu từ combo NHỊP ĐẬP HOANG DÃ, BỌ CẠP, LÀN KHÓI rồi sẽ quay trở lại các nhóm truyện trước. Tuổi người lớn trẻ dại này khá khó khăn để bắt đầu với sách, do cả tâm lí lẫn thời gian. Để có thể kéo các bạn ấy đến với chữ nghĩa, cần có những thứ vừa phải, trong tầm với của lớp người trẻ luôn bộn bề giữa những lo âu nhỏ nhặt trước thời kì trưởng thành. Nên bắt đầu từ những cuốn có chất lãng mạn và một chút tình yêu đôi lứa. Bọ Cạp đáp ứng được khá sát yêu cầu này, bằng hình tượng cao bồi và một tình yêu du lãng có tính chất thức tỉnh nội tâm, kéo con người về phía ánh sáng của cái thiện. Trẻ sẽ lập tức đam mê anh chàng Tim, và có thể ngốn sạch cuốn truyện chỉ trong vòng 1 đêm (các mẹ nhớ canh giờ giục con đi ngủ).

 

LÀN KHÓI cũng là kiểu truyện cao bồi, nhưng chất du mục đậm hơn. Làn Khói không nhắc đến tình yêu đôi lứa, mà chuyển tải thông điệp về tinh thần sống hết mình trong mọi hoàn cảnh, mọi thân phận. Cuộc đời trầm bổng của con ngựa màu khói xám, cũng tựa như đời lên voi xuống chó của một kiếp người đa truân. Tôi thích những trường đoạn tâm tình trong Làn Khói, rất khoáng đạt, bay bổng, rất tình. Tuổi trẻ mà, yêu thương cần gắn với khoáng đạt và tự do, đừng tủn mủn bo bo trong góc tối của bản thân mình.

 

2 cuốn MÙA HÈ CÁI ĐÊ và ÔNG BỐ CHÂN DÀI nên đọc cặp với nhau. Chúng có nhiều điểm chung khá cuốn hút: tính nữ, thể loại nhật kí và tâm tưởng tự do. Mùa Hè Cái Đê vừa như là một lời rủ rê vào hè, vừa là tên gọi của một mùa hè đặc biệt. Mùa hè ấy, cô nhỏ Garnet nhặt được cái đê tay, rồi sau đó thì những chuyện bất ngờ hết lần này đến lần khác đổ ập xuống đầu cô. Một tập truyện nhẹ nhõm như hơi thở, kể về những niềm hạnh phúc nhỏ bé và đơn giản của cuộc sống thường nhật, trong vắt đi.

 

Cũng tự do, nhưng Ông Bố Chân Dài lại là một hành trình tự do mãnh liệt. Cô gái thứ hai này khác cô nhỏ Garnet ở chỗ tính tình. Là một đứa trẻ sôi nổi, nên Judy cảm nhận đời sống cũng sôi nổi theo. Qua con mắt lém lỉnh của cô, cuộc sống nội trú của một nữ sinh sắc màu hẳn lên, những điều nhỏ nhặt nhất cũng có cơ hội trở thành biến cố. Đây là một cuốn sách khá nữ tính, và người lớn cũng sẽ yêu thích.

 

2 cuốn này phù hợp với trẻ tầm từ 12 tuổi trở lên.

 

E. NGƯỜI LỚN

 

Bố mẹ bắt đầu với Tuyển tập Terhune, combo Nhịp đập hoang, tiếp theo là các cuốn dã Làn Khói, Bọ Cạp, Kazan, Vua Gấu Xám, Thằng Bé Hư, Ông Bố Chân Dài, Mùa Hè Cái Đê, Hang Xanh, Bộ Billy,… hay các bộ Các con vật nhà lão Bean, Bộ tứ nhà Melendy. Bố mẹ cũng có thể đọc ngược theo tuổi tuổi đọc của con. Đó là việc người lớn tự đọc vì bản thân mình nhé, còn nếu bố mẹ muốn đọc cùng con cái thì tốt quá, cứ con đọc gì thì bố mẹ đọc nấy, sẽ có tính tương thích trong gia đình. Người làm sách, dịch giả và tác giả không mong gì hơn những điều này.

 

Với trọn bộ 92 cuốn của Kẹp Hạt Dẻ tới giờ này, chúng tôi tin tưởng rằng, mỗi chúng ta sẽ có một ĐỒ THỊ ĐỌC CỦA RIÊNG MÌNH.

 

Mong quý vị lan tỏa và chia sẻ về tường để tiện theo dõi tiến trình đọc sách.

 

Trân trọng cảm ơn.

 

LƯU Ý THỨ TỰ ĐỌC MỘT SỐ BỘ (các cuốn khác đọc độc lập):

- Lad 1, Lad 2, Sói, Bruce, Bình Minh Xám, Bobby đi hoang (Tuyển tập Terhune)

- Chiri con chó mặt nạ, Chiri 2.

- Kazan, Baree.

- Hơi thở đồng xanh: đọc từ Cáo Đỏ. Sau mỗi cuốn sẽ có hướng dẫn tới cuốn kế tiếp.

- Các bộ Hơi thở đồng xanh, Bác Tai Dài Ngọ Ngoạy, Đồ Chơi Không Vô Tri, Các con vật nhà lão Bean, Bộ tứ nhà Melendy, Chester, Bộ tứ Moffat, BILLY đọc theo số tập in ngoài bìa.